Việt Nam đã xác định nông nghiệp xanh là con đường phát triển trong tương lai, trong đó phát triển phân hữu cơ là “chìa khóa” để đạt được mục tiêu trên.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho biết, ngành nông nghiệp Việt Nam phải “nắm bắt được tín hiệu thị trường, không chỉ thị trường trong nước mà cả thị trường toàn cầu với 7 tỷ người tại 180 quốc gia”. Một trong số những tín hiệu đó là nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm hữu cơ, thân thiện với môi trường, và theo đó, phân hữu cơ trở thành “một xu hướng tất yếu”. Nhu cầu phân bón ở Việt Nam hiện ở mức 11 triệu tấn/năm, với lượng sử dụng trung bình khoảng 1 tấn phân bón (chủ yếu là phân hóa học) trên mỗi hecta đất trồng, cao gần 5 lần trung bình 10 năm trước. Theo Bộ NN&PTNT, hiệu suất sử dụng phân bón hiện dao động trong khoảng 45 – 50%, tức chỉ một nửa lượng phân bón được sử dụng có tác dụng đối với cây trồng, trong khi một nửa còn lại bị lãng phí và gây hại cho đất. Sử dụng phân hóa học lâu dài không chỉ làm đất bạc màu mà còn làm giảm chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Phân hóa học có tác dụng nhanh, trong khi phân bón có nguồn gốc tự nhiên cần thời gian dài để phân giải nhưng cung cấp cho cây trồng nhiều chất dinh dưỡng hơn. Độ màu mỡ của đất được bón phân hữu cơ cũng được cải thiện theo thời gian, trong đó có khả năng giữ nước và không khí, cũng như tăng cường hoạt động của vi sinh vật. Việc phát triển phân hữu cơ không chỉ giúp cải thiện chất lượng đất về lâu dài mà còn mở đường cho nền nông nghiệp hữu cơ phát triển.

Sản xuất và tiêu thụ [replacer_a]

Theo Bộ NN&PTNT, Việt Nam sản xuất trung bình 2,5 triệu tấn phân hữu cơ mỗi năm, tương đương 10% sản lượng phân bón hóa học và 8,5% tổng sản lượng phân bón. Tuy nhiên, số liệu nhập khẩu cho thấy xu hướng sử dụng phân hữu cơ tăng trong vài năm gần đây. Việt Nam nhập khẩu 220 nghìn tấn phân hữu cơ trong năm 2017, gấp đôi so với năm 2016. Trong năm 2017, Việt Nam nhập khẩu 617 tấn phân vi sinh, tăng 6 lần so với năm 2015 và gấp đôi năm 2016; và 117 nghìn tấn phân hữu cơ sinh học, tăng 8 lần so với năm 2016. Việt Nam cũng lần đầu tiên nhập khẩu phân hữu cơ cải thiện đất trồng trong năm ngoái. Khối lượng nhập khẩu tiếp tục tăng trong khi tiềm năng sản xuất phân hữu cơ trong nước vẫn chưa được khai thác hết, trong đó phần lớn phụ phẩm sản xuất nông nghiệp không được tận dụng triệt để và đe dọa ảnh hưởng xấu đến môi trường. Chính vì vậy, khuyến khích sản xuất phân hữu cơ trong nước là yếu tố quyết định trong quá trình hướng đến mục tiêu nông nghiệp xanh của Việt Nam. Theo ông Lê Văn Tri, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón sinh học Việt Nam, trước tiên cần có hàng loạt nhà máy có khả năng sản xuất phân vi sinh với quy mô thương mại. Nếu không có nguồn cung “lợi khuẩn” ổn định, mọi hy vọng khuyến khích sản xuất phân hữu cơ sẽ không thể thực hiện.

KTTD